Di tích lịch sử Đền thờ Phùng Hưng

đưa vào giỏ hàng

Di tích lịch sử Đền thờ Phùng Hưng

Tác giả: Đặng Tùng, Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Để ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, nhân dân một số làng nằm trên tuyến đường tiến quân của nghĩa quân Đường Lâm ở một số khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc đã lập đền thờ Bố Cái Đại vương và tôn ngài làm Thành hoàng làng.

Trong đó, đền thờ ở làng Cam Lâm - xã Đường Lâm - Thị xã Sơn Tây, Hà Nội có quy mô bề thế nhất. Hiện chưa rõ niên đại xây dựng nhưng các triều đại phong kiến đã có nhiều sắc phong ghi nhận công lao của Phùng Hưng vào các năm: Trung Hưng thứ nhất (1285), Trung Hưng thứ ba (1287), Hưng Long (1312).

Vào năm 1889 đời Thành Thái, đền được trùng tu toàn diện. Tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 - 1473 đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Phùng Hưng. Đền chính thờ Phùng Hưng ngày nay mang dáng dấp kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX, gồm các hạng mục công trình như: Tả-Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung.   

Tượng Bố cái đại vương Phùng Hưng được đặt ở hậu cung đền, xung quanh đền là những cây cổ thụ có tuổi đời cũng đã hàng trăm năm !

Khu vực thôn Cam Lâm ngày nay vẫn còn những địa danh như: đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về - nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng lại hội tụ về đây thành kính dâng hương để tỏ lòng thành kính đối với ông.

Một nơi thờ tự khác cũng thu hút được sự chú ý của người dân là đình Triều Khúc, Thanh Trì - Hà Nội. Tương truyền, đình này là do Phùng An, con của Phùng Hưng xây dựng trên gò Lĩnh Hán, là đại bản doanh của Phùng Hưng khi tiến đánh thành Tống Bình.

Lễ hội làng Triều Khúc  kéo dài từ ngày mùng 9 đến 12 tháng giêng với lễ rước sắc Phùng Hưng, mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, mừng ngài đăng quang, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.

Nổi bật nhất trong lễ hội triều khúc là 5 điệu múa: múa rồng, múa lân, múa sinh tiền, múa bồng và múa chạy cờ. Đặc biệt điệu múa con đĩ đánh bồng hoàn toàn do các chàng trai giả gái biểu diễn. Nguồn gốc của điệu múa này, được dân gian truyền miệng rằng: các quan võ và binh lính ra trận đánh giặc đã sáng tạo ra điệu múa để khích lệ tinh thần binh sĩ, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm ý chí giết giặc. Do doanh trại toàn đàn ông, không có phụ nữ, nên những binh lính trắng trẻo giả gái diễn trò. Về sau, điệu múa này được đưa vào trong cung đình nhân dịp mừng thắng trận, đưa vào tế lễ trong các đình, đền.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI