Di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng

đưa vào giỏ hàng

Di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng

Tác giả: Đặng Tùng, Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, được xây dựng trên vùng đất đắc địa, ngay chính tại nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô ngay từ năm 40 - 43 đầu Công nguyên.

Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Khu đất này có hình dáng giống như một con voi trắng đang uống nước. Ban đầu ngôi đền được xây dựng bằng tre, lá. Đến triều Đinh (năm 968 đến 980), đền được xây lại bằng gạch. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng ban đầu lại như hướng ngày nay.

Trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: Hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình từ thế kỉ 17, gươm trường, bát bửu, cửa võng, nhang án, chuông đồng đúc năm 1803, bia đá khắc năm 1889.

Đặc biệt, trong Tiền tế và Hậu cung còn có một số hoành phi, câu đối mang tinh thần tự hào dân tộc. Đó là hai bức hoành: Nam Quốc Sơn Hà và Hoàng đế từ và đôi câu đối có niên đại xưa nhất do tri phủ Nguyễn Thái cung tiến năm 1881: “Bất thế anh hùng vương tỷ muội; Nhưng tiền cơ chỉ tuế xuân thu”; tạm dịch “Vua chị, vua em, hào kiệt thế gian khó sánh; Còn nền, còn móng, xuân thu hương lưu dài lâu”.

Hiện nay, đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, sắc phong sớm nhất là từ đời vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 (1783), cho đến sắc phong cuối cùng đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), bao gồm sắc phong tôn hiệu cho Hai Bà và các sắc chỉ cho dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận phải chăm sóc, giữ gìn đền thờ Hai Bà Trưng.

Hằng năm, Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh mở lễ hội chính từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, mùng 6 là chính hội – tức là ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Ngày nay, lễ hội được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương bao gồm lễ Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức cổ truyền.  

Ngoài ra, ở đền còn có những ngày lễ khác được tổ chức hằng năm như: Ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch là ngày hóa; ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch là ngày sinh của Hai Bà Trưng; ngày mùng 10 tháng 11 âm lịch là ngày giỗ ông Thi Sách chồng Bà Trưng Trắc.

Đặc biệt cứ 5 năm một lần, vào dịp lễ hội mùng 6 tháng Giêng âm lịch , huyện Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà. Sau khi làm lễ “Tế trình”, đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ đền về đình làng Hạ Lôi. Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương  cùng các đội múa sênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, hòa quyện với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, linh thiêng.

Từ bao đời nay, đền thờ Hai Bà Trưng đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Hạ Lôi và khách thập phương.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI