Di sản văn hoá Thế giới Borobudur

đưa vào giỏ hàng

Di sản văn hoá Thế giới Borobudur

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Võ Quốc Khanh, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Borobudur là một kỳ quan kiến trúc Phật giáo cổ kính, tinh xảo, được xây dựng từ năm 750 đến năm 842, ở trung tâm đảo Java, Indonesia. Ngôi đền tháp này được xây dựng dưới vương triều Sailendra vốn sùng đạo Phật.

Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi, toàn bộ khu đền gồm 12 nền tầng chồng lên nhau, tạo thành một khối cao 42m. Tòa tháp được xếp  từ 300 nghìn viên đá, loại đá núi lửa khai thác trên đảo Java, trên một mặt phẳng hình vuông rộng 2.500m², theo mô hình Mạn-đà-la (sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây Tạng). Khi mới xây dựng, Borobodur có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị đánh cắp, ngày nay còn 504 pho, trong đó có một số tượng không còn nguyên vẹn.

Kiến trúc tổng quát của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta-bà: các tầng thấp nhất là Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên cùng là Vô sắc giới.

Ở trên vách đá các tầng thấp là những hình ảnh điêu khắc phô bày cảnh tượng của Dục giới, gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, tham dục và hận thù…

Các tầng trên là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới.

Những tầng cao nhất kể lại sự tích tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày đản sinh, ngày Đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được giác ngộ, và ngày Đức Phật thành đạo…

Đền Borobudur đã có một khoảng thời gian khá dài bị lãng quên. Đó vào khoảng đầu thế kỷ 13, khi những người buôn bán Ả Rập đã đưa Hồi giáo vào Indonesia. Cả quần đảo Indonesia gần như hoàn toàn bị Hồi giáo hoá. Borobodur trở nên hoang tàn. Mãi đến năm 1814, một phái đoàn các nhà khoa học châu Âu, do chính quyền thuộc địa Hà Lan tại Indonesia cử đến, mới tiến hành nghiên cứu và tu bổ lại ngôi đền. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Indonesia mới ý thức được tầm quan trọng của Borobudur, nên đã mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu, đồng thời kêu gọi UNESCO giúp sức để trùng tu Borobudur. 600 nhà phục chế có tên tuổi trên thế giới đã tiến hành trùng tu lại ngôi đền trong suốt 12 năm.

Năm 1991, Borobudur được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, trở thành một thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch nhất tại Indonesia. Đây cũng là nơi hành hương của Phật tử Indonesia trong dịp lễ Phật đản truyền thống hàng năm.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI