Cẩm nang nuôi cá Betta

đưa vào giỏ hàng

Cẩm nang nuôi cá Betta

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Cá Betta (Betta splendens) là giống cá kiểng có hình dạng giống cá lia thia nhưng màu sắc phối trộn rực rỡ hơn nhiều. Phong trào chơi cá Betta hay còn được biết đến với các tên gọi khác như cá Xiêm, cá chọi… đã có từ rất xa xưa, hiện nay thú chơi này càng phát triển mạnh mẽ với rất nhiều giống cá mới được lai tạo hay du nhập từ nước ngoài, kéo theo vô số người yêu thích và nuôi dưỡng loài cá xinh đẹp này. Tuổi thơ những thế hệ 7X, 8X ai chẳng từng một lần nuôi cá chọi (cá đá) hay cùng đám bạn chụm đầu reo hò quanh chiếc lọ thủy tinh để xem một trận thư hùng thực sự.

Tên Betta có nguồn gốc từ ikan bettah (một ngôn ngữ địa phương của Malaysia). Hiện có đến gần 70 loài cá Betta hoang dã phân bố ở khắp vùng Đông Nam Á đã được phát hiện và mô tả. Loài cá này được thuần dưỡng từ lâu đời ở Thái Lan với mục đích chiến đấu, sau đó lan ra khắp thế giới. Cá được thuần hóa từ triều đại Sukhothai cách nay khoảng 700 năm. Các văn bản vào thời trị vì của vị vua Lithai thuộc triều đại trên có đề cập đến việc đá cá bên lề các hoạt động thể thao. Có lẽ vì vậy mà nó được biết đến với cái tên là cá Xiêm. Màu sắc, hình dạng và kỹ năng của cá Betta hiện nay khác xa so với cá hoang dã. Cá thuần dưỡng đã du nhập vào nước ta từ cả trăm năm nay, nếu các bạn đọc bài “Thú chơi cá thia thia” của cụ Vương Hồng Sển thì sẽ thấy loài cá này đã xuất hiện ở nước ta từ hồi đầu thế kỷ hai mươi. Ngày nay, cá đá đã lan rộng và trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và cả các nước Âu - Mỹ, nhất là trong các cộng đồng có người châu Á sinh sống.

Cá Betta trưởng thành dài khoảng 6 - 8 cm, gần đây người ta còn lai tạo được những giống cá Betta khổng lồ (giant bettas) dài trên 8 cm. Đây là loài cá cảnh có màu sắc sặc sỡ với bộ vây chảy dài tuyệt đẹp, trong khi màu sắc tự nhiên của cá Betta hoang dã chỉ là màu xanh lá cây tối và màu nâu với bộ vây tương đối ngắn. Do quá trình lai tạo màu sắc của chúng ngày càng đa dạng và bộ vây dài hơn.  Tất cả thành viên của chi Betta đều có một cơ quan phức tạp trên đầu cho phép chúng lấy oxy trực tiếp từ không khí, bổ sung cho nguồn oxy hấp thu bằng mang ở dưới nước. Nếu không tiếp xúc được với mặt nước, cá Betta sẽ bị "chết đuối".

Cá Betta là loài ăn thịt, cấu tạo miệng của chúng hơi hếch lên trên rất phù hợp với việc kiếm ăn trên bề mặt. Trong tự nhiên, cá Betta chủ yếu ăn phiêu sinh vật, bọ gậy và một số ấu trùng. Nếu nguồn thức ăn dồi dào, cá Betta sẽ sống lâu hơn, màu sắc sặc sỡ hơn, các vây bị rách sẽ nhanh chóng liền lại. Vì vậy khi nuôi cá Betta thường cho ăn thức ăn sống như giun đỏ, bo bo, loăng quăng… Tuyệt đối không được cho chúng ăn thức ăn từ thực vật như viên thức ăn có bột ngũ cốc, có thể chúng sẽ chết.

Cá Betta từng được đặt biệt danh là "trang sức của Phương Đông" do màu sắc tuyệt đẹp của chúng qua nhiều quá trình lai tạo. Trong tự nhiên khi bị kích động cá Betta mới nổi màu rực rỡ. Còn cá thuần dưỡng hiện nay luôn có màu sắc mạnh mẽ như khi bị kích động, óng ánh, rực rỡ và thay đổi màu theo góc nhìn hay cường độ ánh sáng.

Thông thường người chơi cá Betta chỉ chơi cá trống vì màu sắc và bộ vây lộng lẫy của nó, cá mái tuy có thể lai tạo được những cá thể màu sắc rực rỡ như cá trống nhưng bộ vây và thân hình thì không thể sánh bằng con trống.

Khi muốn tuyên chiến hay đe dọa một cá thể khác, cá Betta thường bành hai mang ra (có nơi gọi là xù) mầu mang đỏ thẫm làm cho chúng trông thật “ngầu” khiến cho đối phương thêm phần sợ hãi. Lúc đó trông nó thật uy nghi và dữ tợn. Kèm theo đó là hành vi căng vây và nghiêng người về phía đối phương, màu sắc có thể chuyển sang đen sậm ở phần đầu, bộ vây trở nên rực rỡ và lấp lánh.

Cá Betta thường tự đặt ra cho mình một lãnh thổ riêng ví dụ như một bụi cây thủy sinh hay một hốc đá nhỏ. Đôi khi sự sở hữu lãnh thổ ở mức rất cao, nó sẵn sàng đánh trả mọi kẻ xâm phạm. Thông thường cá Betta trống hung hãn hơn cá mái. Cá Betta mái thỉnh thoảng cũng phùng mang và thường không biểu hiện mãnh liệt như cá trống. Thỉnh thoảng hai con cá mái cũng đánh nhau nhưng thường thì chúng chỉ hăm dọa chứ không xông vào chiến đấu như cá trống, chúng chỉ thăm dò chứ không cương quyết đánh đuổi đối thủ. Cá trống thì hung hãn đến mức độ xung đột với chính hình ảnh của nó ở trong gương, vì vậy tốt nhất bạn không nên để gương trong bể nuôi cá Betta, nó có thể bị tổn thương do "chiến đấu" với hình ảnh của mình trong gương. Khi hai con cá Betta trống gặp nhau chúng chiến đấu rất ngoan cường, trận chiến chỉ kết thúc khi một con chịu thua và bỏ chạy. Chính vì tính hung hãn mãnh liệt vốn có, cá Betta đã trở thành một trò tiêu khiển của con người đặc biệt là các bạn trẻ.

Rất nhiều người đam mê thú chơi cá Betta đều đã từng mong muốn chính mình lai tạo ra những chú cá Betta đẹp, clip này sẽ hướng dẫn các bạn cách cho cá Betta sinh sản giúp các bạn có thể thỏa mãn đam mê thú chơi này.

Xưa nay các cụ vẫn nói: “Chó giống cha, Gà giống mẹ”, nói vậy để thấy con giống đóng vai trò quyết định về tương lai của bầy cá sau này , vì thế muốn có bầy cá hay thì đầu tiên phải chọn con giống cho tốt. Bạn muốn bầy cá con trông như thế nào? Bạn lai tạo dựa trên màu sắc, vây hoặc cả hai. Một khi lai tạo có mục đích cụ thể, cần phải tìm kiếm cá bố mẹ có các đặc điểm cần thiết. Cá giống thường không có đủ tất cả các đặc điểm mà bạn mong muốn nhưng các bạn hãy xem đây như là công việc lắp ghép thú vị khi mà bạn lai tạo để kết hợp các đặc điểm lại với nhau. Sau khi chọn được cặp cá giống và cả hai ở tình trong tình trạng sức khỏe tốt, chúng ta bắt đầu vỗ béo để chuẩn bị cho chúng sinh sản. Khi bắt đầu quá trình sinh sản thì không nên cho chúng ăn nữa.

Để cá mái bên cạnh cá trống cho chúng nhìn thấy nhau, quá trình làm quen này giúp chúng bớt rượt đuổi nhau khi thả chung để sinh sản.

Tất cả các chú cá trống Betta khỏe mạnh theo bản năng đều có tập tính nhả bọt. Chúng nhả bọt tạo thành những tổ bọt. Những tổ bọt này giúp chúng trong quá trình sinh sản, một tổ bọt là tập hợp của những quả bong bóng đặc biệt. Cá trống trồi lên mặt nước, hớp lấy không khí, sau đó, miệng của nó tiết ra một dịch để làm vỏ bóng chứa không khí bên trong rồi thổi những quả bóng này lên trên mặt nườc. Vai trò của những dịch này rất quan trọng, nó khiến quả bóng khí khó vỡ hơn, giúp kết dính các quả bóng lại với nhau và giữ cho nhiệt độ bên trong ổn định hơn.

Khi thấy con trống làm được tổ bọt kha khá chúng ta thả lên mặt nước chỗ tổ bọt một hay hai chiếc lá để giúp tổ bột có chỗ bám chắc chắn hơn đồng thời chiếc lá cũng giúp cho trứng sau này không phải tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, Các bạn nên chọn những loại lá có thể tươi lâu trong nước.

Quan sát nếu thấy cá trống đã nhả đầy bọt bên dưới mặt lá và xung quanh thì thả cá mái vào, cả hai sẽ bắt đầu phùng mang, giương vây và thường là con mái sẽ bị con trống rượt khắp hồ và bị mổ vài phát thì cũng là điều rất bình thường. Cá mái sẽ quan sát cá trống nhả bọt ở một khoảng cách an toàn, khi cá trống đã sẵn sàng, nó sẽ nằm ngay dưới tổ bọt và hiếm khi đuổi theo cá mái nữa. Khi cá mái sẵn sàng đẻ, nó sẽ tiến đến tổ bọt với cái đầu chúc xuống, chúng bắt đầu thúc vào hông nhau. Ngay sau đó cá trống bắt đầu quấn lấy cá mái. Cá Betta giao phối theo một cách độc đáo được gọi là ép hay quấn, khi giao phối con trống quấn quanh con mái ép chặt lại, trứng bị ép ra từ bụng cá mái. Ngay lập tức cá trống phóng tinh để thụ tinh cho trứng. Trứng rớt xuống và cả hai con bơi xuống ngậm lấy trứng và nhả lên tổ bọt. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại và thường thì mỗi lần đẻ diễn ra trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ.

Khi cá trống cảm thấy đã đủ nó sẽ đuổi cá mái đi và cá mái sẽ trốn vào đám rong hay tảng đá. Đây là lúc để vớt cá mái ra ngoài và đem đi dưỡng cho lần sinh sản kế tiếp, nếu không nó có thể sẽ ăn chỗ trứng vừa sinh ra. Chỉ con trống mới có nhiệm vụ trông coi và chăm sóc trứng, nếu có quả trứng nào bị rơi ra ngoài do bọt khí vỡ, nó sẽ cẩn thận nhặt lại và cho vào một bọt khí mới.

Lúc này bạn nên chuẩn bị trùng cỏ để khi cá con nở ra sẽ có ngay thức ăn. Thông thường ở nhiệt độ 26 - 30 độ C thì sau 2 hoặc 3 ngày trứng được thụ tinh trong tổ bọt sẽ bắt đầu nở. Sau khi nở, cá con có thể dễ dàng được nhìn thấy bằng cách quan sát bên dưới tổ bọt. Khi mới nở chúng có màu trắng đục và vẫn sống trong tổ bọt vì lúc này cá con vẫn mang noãn hoàng và các vây bơi còn chưa phát triển đầy đủ.

Mỗi khi có con nào rơi khỏi tổ, cá trống nhẹ nhàng ngậm nó vào miệng và nhả lại lên tổ bọt. Đây có vẻ như là một công việc không có hồi kết… hai đến ba ngày sau, khi túi noãn hoàng của cá con được tiêu thụ hết và cá con bắt đầu bơi được trên mặt nước thì ta có thể vớt cá trống ra để dưỡng sức cho lần sinh sản kế tiếp. Bạn cũng có thể vớt cá trống ra muộn hơn một chút nếu chưa yên tâm về bầy cá con, tuy nhiên sau quá trình sinh sản, chăm sóc trứng và trông bầy cá con thì nó cũng đã mệt, nên tốt nhất hãy vớt cá trống ra ngoài vì lúc này bầy cá con đã có thể tự kiếm ăn, sau khi vớt cá trống ra ngoài bạn bắt đầu cho chúng ăn trùng cỏ 2 - 3 lần một ngày.

Sau khoảng một tuần bạn nên cẩn thận hút các chất bẩn trong hồ bằng ống hút có đầu cột vải thưa để tránh hút phải cá con sau đó châm thêm nước sạch vào hồ. Khi cá con được hai tuần tuổi, lúc này chúng đã lớn bằng cỡ đầu que tăm thì bắt bắt đầu cho chúng ăn bo bo… và chỉ chừng khoảng hơn một tháng tuổi là chúng đã có thể bắt đầu ăn được trùng chỉ. Thời gian này cứ 3 - 4 ngày thì bạn nên thay 20 – 30% nước trong hồ.

Vậy là bạn đã có một bầy cá betta con do chính mình tạo ra. Việc còn lại là chăm sóc thật tốt để cho chúng mau lớn. Chúc các bạn thành công!

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI